Xu hướng phẳng hóa trong thiết kế

Hiện nay, phong cách tối giản đang được nhiều người hướng đến và ưa chuộng. Chính vì thế, các thiết kế phẳng cũng đang dần trở nên phổ biến và được mọi người lựa chọn sử dụng, có sức ảnh hưởng tới ngành thiết kế nói chung. Vậy thiết kế phẳng là gì? Đặc điểm của thiết kế phẳng như thế nào? Những câu hỏi này sẽ được GContent giải đáp ngay trong bài viết này. 

1. Thiết kế phẳng (Flat Design) là gì? 

Thiết kế phẳng (Flat Design) là phong cách thiết kế tối giản, sử dụng các yếu tố 2D đơn giản, nhấn mạnh và tập trung vào màu sắc. Khác với phong cách thiết kế 3D, thiết kế phẳng không có sử dụng quá nhiều họa tiết trang trí hay những hiệu ứng để tạo chiều sâu như: đổ bóng, dập nổi… Hiện nay ta có thể dễ dàng thấy được những sản phẩm thiết kế phẳng ở xung quanh mình, đơn cử là sự thay đổi trong thiết kế của giao diện iOS 7 khi so với iOS 6. 

xu-huong-phang-hoa-trong-thiet-ke-2Ví dụ về thiết kế phẳng khi so sánh giao diện IOS 7 và IOS 6

Giao diện của iOS 7 được thiết kế theo phong cách thiết kế phẳng, đã lược bỏ hiệu ứng đổ bóng, ba chiều mà iOS 6 đã có. Các thiết kế biểu tượng cũng trở nên đơn giản hơn, màu sắc của các thiết kế cũng tươi sáng, nổi bật từng mảng màu hơn so với iOS 6. 

2. Đặc điểm của thiết kế phẳng 

Phần giải nghĩa đã chỉ ra một số đặc điểm cơ bản của các thiết kế phẳng. Tiếp theo chúng ta cùng tìm hiểu sâu hơn về những đặc điểm của thiết kế phẳng nhé! 

2.1. Thiết kế tối giản, không hiệu ứng 

Thiết kế phẳng không có quá nhiều họa tiết, không bao gồm những hiệu ứng ba chiều như: đổ bóng, highlight, dập nổi… 

Bố cục và sơ đồ của thiết kế phẳng được sắp xếp có trật tự, không có sự chồng chéo lên nhau. Thiết kế phẳng chú trọng tới sự tương tác với con người, vì thế giúp người nhìn dễ đọc, dễ hiểu và rất được những người thiết kế trang web, ứng dụng ưa chuộng và sử dụng nhiều trong những thiết kế của họ. 

2.2. Chi tiết trong thiết kế đơn giản

Người thiết kế thường sử dụng icon, các nút trong những sản phẩm thiết kế phẳng. Các hình khối phẳng cũng được sử dụng trong thiết kế như: hình tròn, hình vuông hình chữ nhật… tách biệt nhau và có thể được cách điệu bằng viền ngoài hay bo góc. 

2.3. Tập trung vào Typography

xu-huong-phang-hoa-trong-thiet-ke-3 Typography đóng vai trò quan trọng trong flat design

Bởi những chi tiết trong những sản phẩm của xu hướng này đơn giản, vì thế Typography trong thiết kế có vai trò quan trọng. Font chữ, kiểu chữ trong sản phẩm thiết kế này phải phù hợp với phong cách thiết kế. 

Font chữ trong xu hướng thiết kế phẳng thường là những font chữ không chân (San Serif), nội dung của văn bản sẽ bao quát và đi thẳng vào vấn đề cần nói tới. 

2.4. Nhấn mạnh màu sắc 

Màu sắc là một điểm nhấn trong thiết kế phẳng, có sự đóng góp lớn trong sản phẩm đi theo thiết kế này. Màu sắc trong thiết kế phẳng thường là màu sáng, tạo sự sống động và rực rỡ cho sản phẩm. 

Thiết kế phẳng sử dụng nhiều màu sắc trong một sản phẩm (khoảng 6 đến 8 màu), được chia thành từng khung màu để phân cấp khu vực giúp phân loại thông tin cho rõ ràng. Những màu sắc xu hướng (trending) cũng được sử dụng rất nhiều trong những sản phẩm thiết kế này. 

3. Khi nào nên dùng thiết kế phẳng (Flat Design)? 

xu-huong-phang-hoa-trong-thiet-ke-4 Sử dụng thiết kế phẳng phải đem lại hiệu quả khi truyền tải thông điệp

Người thiết kế nên sử dụng thiết kế phẳng (Flat Design) khi thông điệp (message) truyền đi phải có hiệu quả. Những thông điệp được chuyển tải qua thiết kế phẳng thường là “Bấm ở đây” hay “Trượt phải/trái tại đây” . Chính vì thế, để thiết kế phẳng được sử dụng hiệu quả nhất, nên dùng thiết kế phẳng trong những trường hợp phù hợp nhất như: 

- Infographic: biến những thông tin, kiến thức dài thành những phần tổng quát nhất, có ví dụ dễ hiểu để người xem dễ nhớ, dễ đọc.

- Diễn tả hướng dẫn sử dụng, cách hoạt động của một trang web theo từng bước giúp công chúng dễ theo dõi và hoạt động.

- Quảng cáo: nơi diễn tả thông điệp của nhãn hàng nhưng công chúng không cần tốn quá nhiều thời gian hay công sức để có thể hiểu được nó. 

- Thiết kế logo và tạo dựng thương hiệu: những định hướng của nhãn hàng, thương hiệu được truyền tải với khách hàng. 

- Biểu tượng của ứng dụng hay những thiết kế quá nhỏ để người thiết kế có thể làm từng chi tiết. 

Thiết kế phẳng đang trở thành một xu hướng và dần làm thay đổi ngành công nghiệp thiết kế hiện nay. Chính vì thế, những người thiết kế luôn cần cập nhật kiến thức mới để bắt kịp những thay đổi mới trong tương lai. Người thiết kế cũng cần thay đổi tư duy thiết kế của mình để biến đổi những thông điệp phức tạp thành đơn giản, giúp sản phẩm tiếp cận gần hơn với công chúng thời đại mới. 

: Xu hướng phẳng hóa trong thiết kế
Thiết Kế Hình Ảnh