Phong cách trừu tượng (Abstract) trong thiết kế đồ họa
Trừu tượng là khái niệm đã có từ lâu trong thiết kế hội hoạ. Và ngày nay, phong cách thiết kế này như được tái sinh với sự phát triển của thiết kế đồ họa hiện đại.
Sự phát triển về tư duy và công nghệ hỗ trợ đã giúp các nhà thiết kế thở một làn gió mới, hiện đại và độc đáo hơn cho phong cách này. Vậy phong cách Abstract là gì? Hãy cùng Góc nhỏ khám phá trong bài viết dưới đây nhé.
1. Phong cách thiết kế đồ họa trừu tượng - Là gì mà lại là hot trend?
Phong cách trừu tượng (Abstract) đặc trưng bởi việc không tả vật thể theo hơi hướng thực tế.
Phong cách thiết kế đồ họa trừu tượng hay còn gọi là “không hình tượng” đặc trưng bởi việc thiết kế không lấy vật thể làm chủ, không tả vật thể theo hơi hướng thực tế. Các nhà thiết kế diễn giải chủ thể một cách tự do, không trói buộc và thường sử dụng các yếu tố hình học và màu sắc để diễn tả một ý tưởng. Từ việc không bị trói buộc bởi các yếu tố thực tế, các nhà thiết kế được tự do sắp xếp đem đến những cái nhìn phức tạp, có dụng ý riêng và từ đó khiến người xem có được những cảm nhận khác nhau.
2. Đặc trưng hình học đặc biệt của phong cách thiết kế trừu tượng
Phong cách Abstract trong thiết kế đồ hoạ có đặc điểm hình học rất đặc biệt.
Hình học là đặc trưng quan trọng thể hiện được cá tính và phong cách của các thiết kế trừu tượng. Các dạng hình phổ biến như vuông, tròn, chữ nhật… đã được ứng dụng và sử dụng rất thành công trong các thiết kế mang phong cách này từ trước.
Các thiết kế với dạng hình học thông thường mang các góc nhọn đem đến cho các thiết kế sự táo bạo, quyết liệt. Việc sử dụng dạng hình học này trong các thiết kế mang lại cảm giác kiên định đáng tin cậy.
Gần đây, xu hướng sử dụng các hình học hữu cơ như đường gợn sóng, đường cong, đường vòm được thể hiện qua phong cách trừu tượng tạo ra những tác phẩm độc đáo và thu hút hơn. Nó mang đến một phong cách thiết kế trừu tượng nhiều sự gợi mở, thu hút và khơi gợi nơi khách hàng cảm giác khám phá và cảm thụ riêng.
Mỗi phong cách hình học được sử dụng trong thiết kế trừu tượng thể hiện những sắc thái khác nhau. Chúng có thể sử dụng riêng biệt hoặc có sự kết hợp để diễn tả những hình thái khác nhau của chủ thể thiết kế. Bạn cần nắm rõ các nguyên tắc thiết kế, các ý nghĩa cũng như là sự tác động thị lực của các hình dạng để tạo nên một thiết kế trừu tượng với các yếu tố hình học độc đáo và hài hòa.
3. Các yếu tố cần lưu ý trong phong cách thiết kế trừu tượng
Cần lưu ý những gì khi quyết định đi theo phong cách thiết kế trừu tượng?
3.1. Màu sắc thể hiện phong cách thiết kế trừu tượng
Phong cách thiết kế trừu tượng không có một quy tắc bắt buộc nào về sự kết hợp của các màu sắc vì chính nó là một nghệ thuật trừu tượng không thực tế. Tuy nhiên, có một số bảng màu thịnh hành trong phong cách thiết kế này mà bạn có thể tham khảo.
3.2. Neon color palettes (bảng màu Neon)
Bảng màu neon đang là một xu hướng thịnh hành trong các thiết kế đồ họa thuộc phong cách trừu tượng. Từ màu xanh coban sáng, xanh lá cây đến màu hồng và vàng… các sắc thái màu neon hoàn toàn phù hợp với các góc cạnh và đường nét hình học đặc trưng của phong cách thiết kế trừu tượng.
3.3. Pastels color palettes (Bảng màu pastels)
Một bảng màu khác cũng đang thống trị các thiết kế thuộc phong cách trừu tượng đó là bảng màu pastels. Không rực rỡ, bùng cháy - bảng màu pastels mang đến một cảm giác khác biệt với bảng màu neon. Là một sự kết hợp tuyệt vời giữa một bảng màu mềm mại, nhẹ nhàng với các thiết kế có các dạng hình dạng hữu cơ bay bổng. Tuy nhiên, bạn hoàn toàn có thể lựa chọn việc kết hợp giữa màu pastels với một vài màu sắc nổi bật để tạo điểm nhấn và sự thu hút đến các hình dạng nổi bật của thiết kế.
3.4. Earth tone palettes (Bảng màu đất)
Bảng màu đất cũng được tận dụng trong các thiết kế thuộc phong cách này. Cũng giống như bảng màu pastels, bảng màu này đặc biệt thích hợp với các thiết kế có các hình dạng hữu cơ. Với các màu sắc như nâu, beiges, xanh lá cây,... những thiết kế với bảng màu này đem đến một cách một cách tiếp cận tự nhiên hơn, hài hòa hơn cho một phong cách thiết kế mang hơi hướng toán học.
3.5. Typography trong phong cách thiết kế đồ họa trừu tượng
Kiểu chữ cũng là một yếu tố thể hiện được phong cách trừu tượng trong các thiết kế đồ họa. Chữ được chia tách thành các ký tự, khoảng cách giữa các chữ cũng có sự phá cách không đồng đều như tự nhiên. Điều này tạo nên sự thú vị trong các thiết kế và cũng được vận dụng khá nhiều trong việc đặt tiêu đề.
Bên cạnh đó, khi loại bỏ mặt ý nghĩa, từng ký tự của chỉ cái như biến thành một chi tiết hình học. Các nhà thiết kế thường sử dụng nó như một yếu tố hình học, họ sắp xếp và “chơi” với các ký tự như những mảnh ghép hình học thật sự.
Phía trên là những yếu tố cơ bản để tạo nên phong cách thiết kế đồ họa trừu tượng. Việc kết hợp các yếu tố trên tạo nên sự thống nhất và đưa nó trở thành một thiết kế mang phong cách trừu tượng đòi hỏi bạn cần phải nắm vững tư duy thiết kế và vận dụng nó một cách khéo léo.
Vừa rồi, Góc nhỏ Content đã điểm qua những điểm nổi bật về phong cách Abstract. Hy vọng bài viết sẽ đem đến cho bạn những thông tin cần thiết và hữu ích trong quá trình lên ý tưởng thiết kế nhé.
Tin liên quan
- 5 Cách tích hợp CHAT GPT vào công cụ làm việc hiệu quả
- 7 loại Digital Platform mà Marketer cần phải biết
- 8 nguyên tắc chiến lược thu hút khách hàng tạo chỗ đứng cho Fanpage trên thương trường kỹ thuật số
- 8 xu hướng thiết kế mới cần bỏ túi ngay cho năm 2022
- 9 Bí kíp viết content hay ngay cả khi bạn không biết gì!